Chỉ báo RSI – Một loại chỉ báo nổi tiếng trong phân tích kỹ thuật, được dùng để dự báo sức mạnh của thị trường và những phương pháp giao dịch giúp các nhà đầu tư tăng số lượng giao dịch thành công.
Chắc hẳn các bạn đã nghe rất nhiều về sức mạnh của thị trường, nhưng đây có thể là một khái niệm mới đối với những nhà đầu tư mới tham gia giao dịch Forex, vậy nên tôi sẽ giải thích lại khái niệm này cho mọi người.
Sức mạnh của thị trường hay sức mạnh của xu hướng dùng để ám chỉ quãng đường mà mức tỷ giá sẽ di chuyển trong một xu hướng tăng/giảm. Và chỉ báo RSI được tạo ra với mục đích để giúp các nhà đầu tư có thể dự báo sức mạnh của thị trường.
Vậy chỉ báo RSI là gì? Làm sao để tăng mức độ hiệu quả trong giao dịch với RSI? Hãy cùng tôi giải đáp những thắc mắc trên thông qua bài viết sau.
1. Chỉ báo RSI là gì?
Chỉ báo RSI – Relative Strength Index – là một chỉ báo phổ biến trong Phân tích kỹ thuật được phát minh bởi một nhà giao dịch có tên J.Welles Wilder, nó có công dụng giúp các bạn đo lượng được sức mạnh của thị trường Forex hay đo lường sức mạnh quãng đường mà giá sẽ di chuyển trong một xu hướng tăng/giảm nhất định.
2. Cấu tạo và công dụng của chí báo RSI

Thoạt nhìn sơ qua, các bạn có thể thấy cấu tạo của RSI rất giống với cấu tạo của chỉ báo Stochastic Oscillator. Nhưng nguyên lý hoạt động nó có chút khác biệt với chỉ báo Stochastic.
Chỉ báo RSI cũng giống như chỉ báo Stochastic, nó được đo lường theo thang điểm từ 0 đến 100 và cấu tạo của nó bao gồm:
(1) Đường RSI: Đây là một đường thể hiện GIÁ TRUNG BÌNH của mức giá đóng cửa và mở cửa trên thị trường Forex. Nó có một ưu điểm là sẽ di chuyển chậm hơn đường trung bình của chỉ báo Stochastic, nhưng tín hiệu mà RSI cung cấp sẽ mạnh hơn và hiệu quả hơn.
(2) Vùng QUÁ MUA: Đây là một đường thẳng được xác định ở thang điểm 70, nó có công dụng đo lường sức mạnh của phe MUA trong xu hướng tăng của thị trường. Nếu đường RSI di chuyển chạm hoặc vượt qua vùng QUÁ MUA thì giá trên thị trường có thể đảo chiều thành xu hướng giảm.
(3) Vùng QUÁ BÁN: Đây là một đường thẳng được xác định ở thang điểm 30, nó có công dụng đo lường sức mạnh của phe BÁN trong xu hướng giảm của thị trường. Nếu đường RSI di chuyển chạm hoặc vượt xuống dưới vùng QUÁ BÁN thì giá trên thị trường có thể đảo chiều thành xu hướng tăng.
(4) Vùng TRUNG BÌNH: Đây là một đường thẳng được xác định ở thang điểm 50, nó đóng vai trò như một vùng hỗ trợ các trader xác định sức mạnh của phe MUA và BÁN. Nếu đường RSI di chuyển vượt qua vùng TRUNG BÌNH thì xu hướng thị trường có thể là tăng và ngược lại nếu đường RSI di chuyển xuống dưới vùng TRUNG BÌNH thì xu hướng thị trường có thể là giảm.
3. Phương pháp giao dịch hiệu quả với RSI.
Phương pháp giao dịch với đường RSI khá giống với phương pháp giao dịch theo chỉ báo Stochastic, nhưng trong phương pháp giao dịch với RSI có thêm vùng TRUNG BÌNH giúp các bạn có thể xác định được xu hướng tăng/giảm có tiếp tục di chuyển hay sẽ đảo chiều.
(1) Phương pháp giao dịch với vùng QUÁ MUA:

Nếu đường RSI di chuyển chạm hoặc vượt qua vùng QUÁ MUA đó sẽ là tín hiệu cho biết rằng giá sẽ có xu hướng đảo chiều thành giảm. Các bạn sẽ thực hiện giao dịch theo cách sau:
Điểm vào lệnh (Entry): Các bạn quan sát và chờ tín hiệu xác nhận xu hướng từ thị trường thông qua Hành động giá rõ ràng (vd: Mô hình nến Engulfing giảm), sau đó các bạn sẽ vào lệnh ngay giá Đóng cửa của nến Engulfing giảm để giảm tỷ lệ rủi ro.
Điểm chốt lời (Take Profit): Các bạn quan sát nếu đường RSI di chuyển chạm đường TRUNG BÌNH thì điểm giao nhau đó chính là điểm chốt lời thích hợp.
Điểm cắt lỗ (Stoploss): các bạn sẽ đặt điểm cắt lỗ tại mức giá ĐÓNG CỬA của cây nến tăng trước đó hoặc lùi lại một vài PIP để hạn chế rủi ro.
(2) Phương pháp giao dịch với vùng QUÁ BÁN:

Nếu đường RSI di chuyển chạm hoặc vượt xuống vùng QUÁ BÁN đó sẽ là tín hiệu cho biết rằng giá có thể đảo chiều thành xu hướng tăng. Các bạn sẽ thực hiện giao dịch theo cách sau:
Điểm vào lệnh (Entry): Các bạn quan sát và chờ tín hiệu xác nhận xu hướng từ thị trường thông qua Hành động giá rõ ràng (vd: Mô hình nến Engulfing tăng), sau đó các bạn sẽ vào lệnh ngay giá Đóng cửa của nến Engulfing tăng để giảm tỷ lệ rủi ro.
Điểm chốt lời (Take Profit): Các bạn quan sát nếu đường RSI di chuyển chạm đường TRUNG BÌNH thì điểm giao nhau đó chính là điểm chốt lời thích hợp.
Điểm cắt lỗ (Stoploss): các bạn sẽ đặt điểm cắt lỗ tại mức giá ĐÓNG CỬA của cây nến giảm trước đó hoặc lùi lại một vài PIP để hạn chế rủi ro.
(3) Phương pháp giao dịch với vùng TRUNG BÌNH:

Tín hiệu mà vùng TRUNG BÌNH cung cấp rất mạnh, vì vậy đây là phương pháp giao dịch với RSI được rất nhiều nhà đầu tư áp dụng. Các bạn sẽ thực hiện giao dịch theo cách sau:
Điểm vào lệnh (Entry): Khi mức giá di chuyển chạm hoặc vượt qua/xuống dưới thì điểm giao nhau chính là điểm vào lệnh phù hợp nhất cho các bạn.
Điểm chốt lời (Take Profit): Nếu đường RSI di chuyển chạm vùng QUÁ MUA/QUÁ BÁN điểm giao nhau chính là điểm chốt lời thích hợp cho các nhà đầu tư.
Điểm cắt lỗ (Stoploss): Trong phương pháp này sẽ không có cách dự báo được vùng đặt Stoploss phù hợp vì vậy các bạn có thể áp dụng phương pháp kiểm soát tỷ lệ Risk/Reward 1:2 để đặt Stoploss.
——————————————Kết luận—————————————–
Trên đây là toàn bộ những kiến thức cơ bản nhất về chỉ báo RSI mà các bạn có thể tham khảo và áp dụng. Tuy nhiên, những cách đặt lệnh giao dịch trên là dựa trên chiến lược giao dịch của riêng bản thân tôi nên các bạn chỉ nên tham khảo để từ đó đề ra được chiến lược giao dịch hiệu quả cho riêng bản thân các bạn.
Tìm hiểu thêm: Chỉ báo Stochastic là gì?
Tổng hợp bởi: Son Tung